14:41 | 08/11/2023 In bài viết

Khi bài báo khoa học trở thành... hàng hóa

Thông tin về việc PGS.TS Đinh Công Hướng - giảng viên Trường Đại học công nghiệp TP.HCM, thành viên hội đồng ngành toán Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (nafosted) bị phát hiện bán rất nhiều bài nghiên cứu khoa học, đã khiến dư luận xôn xao suốt mấy ngày qua. Trước câu hỏi của báo chí, PGS.TS Đinh Công Hướng đã trả lời rất thản nhiên, không hề quanh co, giấu giếm, rằng “tôi làm vậy để kiếm tiền cải thiện đời sống”.

Thông tin về việc PGS.TS Đinh Công Hướng - giảng viên Trường Đại học công nghiệp TP.HCM, thành viên hội đồng ngành toán Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (nafosted) bị phát hiện bán rất nhiều bài nghiên cứu khoa học, đã khiến dư luận xôn xao suốt mấy ngày qua. Trước câu hỏi của báo chí, PGS.TS Đinh Công Hướng đã trả lời rất thản nhiên, không hề quanh co, giấu giếm, rằng “tôi làm vậy để kiếm tiền cải thiện đời sống”.

Câu trả lời của vị PGS.TS đã hé lộ một sự thật: Việc mua bán các bài báo khoa học đang diễn ra một cách rất nhộn nhịp, công khai, bình thường như bất kỳ một thứ hàng hóa nào khác.

Việc phải có bài báo khoa học bằng tiếng nước ngoài, đăng trên một tạp chí khoa học có uy tín của nước ngoài là điều kiện bắt buộc đối với một nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ. Việc đó nhằm hai mục đích: Rèn luyện khả năng ngoại ngữ (cũng là một điều kiện bắt buộc) và năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Tuy vậy, nhiều nghiên cứu sinh chẳng biết một từ tiếng nước ngoài nào nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để “mua” suất đứng tên một bài báo khoa học như vậy. Từ khi Bộ GD&ĐT cho phép các nghiên cứu sinh luận án tiến sĩ được công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước, thì giá trị khoa học của các bài báo khoa học đó bị giảm đi rất nhiều, bởi nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học của ta về thực chất không khác gì một bài báo bình thường, và thị trường mua bán bài vở trên các tạp chí “khoa học” càng trở nên nhộn nhịp. Bài báo khoa học đã trở thành hàng hóa.

Không chỉ những bài báo khoa học, mà thậm chí cả luận án tiến sĩ, thạc sĩ cũng trở thành hàng hóa. Dư luận vẫn chưa quên chỉ cách đây mấy năm, một anh buôn gỗ, không học ngành Y lấy một ngày, nhưng vẫn được PGS Đàm Khải Hoàn - Trưởng bộ môn Y học cộng đồng của Trường đại học Y - Dược Thái Nguyên “tậu” cho một tấm bằng tiến sĩ y khoa bằng một “công nghệ” đặc biệt. Xin trích nguyên văn lời của vị phó giáo sư khả kính kia nói với anh buôn gỗ: -Tôi sẽ nhờ người viết cho cậu mấy bài báo khoa học để cậu ký tên đăng trên tạp chí Y học thực hành. Cậu trả tiền công viết cho người ta rồi đến đây nhận bài, kèm theo cái phong bì đưa cho người của tạp chí, còn mọi việc tôi lo. Tiếp theo, cậu phải tìm cách để có tên trong một cơ quan hoặc một tổ chức nào đó. Để đến khi hội đồng xét duyệt hồ sơ, họ sẽ tin rằng cậu đã làm việc ở đó chứ không phải là thằng lái gỗ. Việc của cậu là lái gỗ thì cậu cứ đi lái gỗ, tôi sẽ chọn đề tài, làm đề cương và các bước tiếp theo cho cậu... Tiếp theo, anh lái gỗ được PGS Đàm Khải Hoàn nhờ “lo” lát hộ cái sàn nhà 100 m2 bằng gỗ nghiến, vì kiểm lâm làm gắt quá, không sao vận chuyển gỗ về được. Lo xong, anh lái gỗ “lo” tiếp cho thầy 200 triệu nữa. Và thế là anh có được tấm bằng tiến sĩ y khoa đầy danh giá.

Thật khủng khiếp. Đó chính là lý do số tiến sĩ của ta thuộc hàng nhiều nhất thế giới, nhưng số người làm công tác nghiên cứu khoa học hay giảng dạy chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn số bằng phát minh, sáng chế lại còn ít hơn nữa. Và đó cũng chính là câu trả lời cho việc vì sao mỗi năm Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam lại “cho ra lò” đến 200 tiến sĩ và cả nghìn thạc sĩ.

Đã mấy ngày qua, nhưng sao vẫn chưa thấy Bộ GD&ĐT lên tiếng về vụ PGS.TS Đinh Công Hướng?

Theo Vũ Hữu Sự/Báo Xây dựng

Đường dẫn bài viết: https://xaydungvadoisong.com.vn/khi-bai-bao-khoa-hoc-tro-thanh-hang-hoa-7698.html

Bản quyền thuộc về Xây dựng và Đời sống