“Chết khát” cạnh nhà máy nước sạch
Sau một thời gian xây dựng, tháng 9/2013, hai công trình nước sạch tại bản Biên và bản Phúc, xã Nậm Lầu (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), hoàn thành. Đây là công trình được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, mỗi công trình trị giá hàng tỷ đồng.
Sau một thời gian xây dựng, tháng 9/2013, hai công trình nước sạch tại bản Biên và bản Phúc, xã Nậm Lầu (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), hoàn thành. Đây là công trình được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, mỗi công trình trị giá hàng tỷ đồng.
![]() |
Người dân vùng cao Sơn La bức xúc vì công trình nước sạch bỏ hoang (Ảnh Báo Lao động). |
Ngày cắt băng khánh thành hai nhà máy nước sạch thực sự là ngày hội của xã Nậm Lầu. Người dân vô cùng phấn khởi, nước theo đường ống vào tận từng nhà, Từ nay hết cảnh phải dùng nước giếng khoan vàng khè, không phải dẫn nước hàng cây số từ “mó nước” tận trên đồi cao, không qua lọc và xử lý, về dùng...
Nhưng chỉ được vài năm, thì không một giọt nước nào được chảy từ công trình nước sạch về nhà nữa. Nhà máy nước sạch bỏ hoang suốt từ đó đến nay. Hiện tại, cả hai công trình đều chìm ngập trong cây dại và rêu mốc. Chân bể chứa nước lở loét, lộ cả phần gạch xây bên trong, đầu ống sắt dẫn nước từ bể ra ngoài hoen gỉ hết, phần nước trong bể còn sót lại nổi váng màu xanh lục, rất nhiều côn trùng như lăng quăng, muỗi... sinh sống.
Không còn nước sạch để dùng, người dân lại đành quay về nếp cũ là khoan giếng, lấy thứ nước vàng khè lên dùng, thôi thì “lấy nước làm sạch, hoặc ra tận QL6, cách nhà hàng chục ki-lô-mét, vào tận thị trấn Thuận Châu để mua nước. 4m3 nước sạch có giá từ 700 - 800 nghìn. Một con số khủng khiếp đối với dân của một xã 135, thu nhập của người dân hàng năm còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao như Nậm Lầu, bởi hiện tại, ở Hà Nội, 1 m3 nước sạch cũng chỉ có giá trên dưới 10 nghìn. Một m3 nước sạch 200 nghìn, một gia đình 4 người (hai vợ chồng và hai đứa con) dùng dè sẻn lắm cũng chỉ 1 tuần là hết. Nhiều hộ đông con, mỗi tháng hết cả triệu đồng tiền nước. Biết là cao, nhưng cao đến mấy cũng phải cắn răng mà dùng, bởi không dùng thì “chết khát”, mà lại “chết khát” ngay cạnh công trình nước sạch bị bỏ hoang. Nghịch lý đến thế là cùng. Những nhà khá giả, có điều kiện thì ra thị trấn Thuận Châu mua nước với cái giá cao ngất ngưởng như trên. Những nhà không có điều kiện thì 5 hoặc 10 hộ góp tiền mua ống, dẫn nước từ “mó nước” trên cao, cách nhà hàng cây số về bản rồi chia nhau dùng. Biết là nước không qua lọc, không qua xử lý thì không an toàn. Nhưng có còn hơn không.
Lãnh đạo địa phương cho biết, sở dĩ có tình trạng nhà máy nước bị chết yểu là do những hộ dân ở đầu nguồn lấy nước nhiều quá, nên không còn nước chảy về bể lọc của nhà máy nước sạch nữa. Lời giải thích đó rất thiếu sức thuyết phục. Bởi muốn chấm dứt nạn lấy hết nước nguồn như trên, chỉ một cái lệnh cấm là xong. Cũng theo lãnh đạo xã, thì từ khi hai nhà máy nước sạch chết yểu đến nay, xã đã nhiều lần có văn bản kiến nghị lên cấp trên đề nghị sửa chữa, phục hồi lại nhà máy để lấy nước sạch phục vụ người dân, nhưng đều không được hồi âm.
Nếu cứ tình trạng này, không biết bao giờ người dân xã Nậm Lầu mới thoát khỏi tình trạng phải mua nước sạch với giá cao gấp 20 lần giá nước sạch ở Thủ đô?