16:28 | 14/09/2023 In bài viết

Câu chuyện về hạt muối

Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết: Hiện tại, mỗi năm nhu cầu về muối của nước ta khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn. Nhưng sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, vì vậy mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối, mất hàng tỷ USD.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết: Hiện tại, mỗi năm nhu cầu về muối của nước ta khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn. Nhưng sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, vì vậy mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối, mất hàng tỷ USD.

Câu chuyện về hạt muối

Vấn đề là vì sao một đất nước có 3.000 km bờ biển, mỗi năm có trên 200 ngày nắng, người làm muối (diêm dân) của ta có kinh nghiệm làm muối tích lũy qua hàng ngàn năm, lẽ ra chúng ta phải dư thừa muối để xuất khẩu, thế mà đến nỗi hạt muối cũng không đủ dùng? Dù đang ở thời đại 4.0.

“Điều này nghe có vẻ nghịch lý”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trả lời như vậy, và ông dẫn chứng thêm, nước ta nhìn đâu cũng thấy tre, thấy trúc. Cái tăm tre làm ra đâu có cần công nghệ cao siêu gì, thế mà mỗi năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu hàng ngàn tấn. Hay như hạt gạo cũng vậy, nước ta là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng chúng ta vẫn phải nhập gạo từ Ân Độ, từ Campu chia... và chúng ta vẫn phải nhập khẩu đường, trong khi ở rất nhiều vùng trồng mía, nông dân phải đốt bỏ mía vì giá quá rẻ, cũng như ngành than, chỉ việc đào từ lòng đất lên, thế mà vẫn phải nhập khẩu...

Diêm dân Việt Nam có kinh nghiệm làm muối được tích lũy qua hàng ngàn năm. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng sản xuất muối của ta vẫn hoàn toàn là sản xuất thủ công. Chúng ta chưa sản xuất được muối chất lượng cao, muối có thể dùng trong công nghiệp. Trong tất cả các ngành nghề, thì làm muối là nghề vất vả, cơ cực nhất. Những lúc nắng to nhất hay mưa gió, trong khi những người khác chạy vào nhà để tránh nắng, tránh mưa thì diêm dân “lại phải lao ra ruộng”. Vất vả thế nhưng thu nhập lại rất thấp, vì hạt muối rất rẻ, làm ra được nhưng rất khó tiêu thụ, hạt muối chưa nuôi nổi người làm muối. Chính vì thế mà càng ngày diêm dân bỏ ruộng muối để chuyển sang làm nghề khác càng nhiều, đồng muối càng ngày càng thu hẹp lại, hàng trăm ngàn tấn muối bị ứ đọng trong kho trong khi chúng ta vẫn phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập muối, cũng như tuy là nước nông nghiệp nhưng hàng năm chúng ta vẫn phải bỏ ra trên 5 tỷ USD để nhập nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi...

Làm thế nào để diêm dân có thể sống được bằng hạt muối? Làm thế nào để mỗi năm không phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để nhập muối, nhập than, thậm chí nhập cả từ cái tăm tre? Không còn con đường nào khác ngoài con đường đổi mới, đưa công nghệ vào để thay thế cho những đôi tay làm muối cháy sém dưới cái nắng gay gắt, từ đó làm ra những hạt muối chất lượng cao, có thể dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm khác. Hay nói khác đi, là biến nghề làm muối thành ngành kinh tế muối. Làm được thế, thì với lợi thế về bờ biển, về nhiệt độ ngành kinh tế này chắc chắn sẽ còn rất nhiều dư địa và tiềm năng..

Câu trả lời đang nằm ở vị tư lệnh ngành Nông nghiệp.

Theo Vũ Hữu Sự/Báo Xây dựng

Đường dẫn bài viết: https://xaydungvadoisong.com.vn/cau-chuyen-ve-hat-muoi-7486.html

Bản quyền thuộc về Xây dựng và Đời sống