TP Yên Bái trở thành đô thị loại II
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1039/QĐ-TTg công nhận TP Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1039/QĐ-TTg công nhận TP Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái…
![]() |
Cụ thể, công nhận TP Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái. Phạm vi gồm toàn bộ TP Yên Bái hiện hữu, trong đó, khu vực nội thành gồm 9 phường hiện hữu và 3 xã: Giới Phiên, Tân Thịnh và Văn Phú.
Trước đó, ngày 25/8/2023, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái là đô thị loại II. Hội đồng thẩm định thống nhất chấm điểmYên Bái đủ tiêu chuẩn được công nhận là đô thị loại II. Theo đó, TP Yên Bái được xác định là trung tâm tổng hợp cấp vùng kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, khoa học và công nghệ; trung tâm hành chính cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh.
Đồng thời là trung tâm chuyên ngành cấp vùng hoặc trung tâm tổng hợp cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng liên tỉnh. Quy mô dân số toàn đô thị 147.172 người (năm 2022), dân số khu vực nội thành, nội thị là 134.425 người.
TP Yên Bái nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, là vị trí thuận lợi để kết nối hoạt động kinh tế với các đô thị nằm trên hành lang Thủ đô Hà Nội, các đô thị cửa khẩu và cảng biển, có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ đô thị; có cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, đa dạng về địa hình, thuận lợi để hình thành một đô thị có bản sắc, tài nguyên du lịch sinh thái và văn hóa phong phú.
Những năm qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái, TP Yên Bái đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Nhờ đó, kinh tế thành phố phát triển với tốc độ nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Trong 8 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đạt 3.385,4 tỷ đồng; tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành đạt 5.087,4 tỷ đồng, tăng 8,98% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại dịch vụ phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm ước đạt 12.755 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ năm trước, bằng 70,9% kế hoạch.
Công tác quy hoạch và quản lý đô thị tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, riêng tháng 8 cấp 53 giấy phép xây dựng nhà ở dân cư; rà soát hạng mục điều chỉnh, bổ sung dự toán dịch vụ quản lý công viên, trồng và quản lý chăm sóc cây xanh, hoa cảnh vỉa hè, đường phố, dải phân cách, vòng xoay, chiếu sáng đô thị năm 2023; hết tháng 8, thành phố đã triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với 45 công trình, liên quan đến 2.757 hộ gia đình.